Phí cả đời nếu không được thưởng thức măng mực bát tràng

Đăng bởi: Nguyễn Việt Dũng - 13/03/2017 - 0 (comment)

PHÍ CẢ ĐỜI NẾU KHÔNG ĐƯỢC THƯỞNG THỨC MĂNG MỰC BÁT TRÀNG

Nói như tiêu đề thì có vẻ hơi quá nhưng ai đã từng nghe tới làng gốm Bát Tràng, ngoài biết Bát Tràng là làng gốm, đều không quên nhắc tới nét "ẩm thực" riêng có ở nơi đây.
Cỗ ở Bát Tràng luôn nổi tiếng với những món ăn mà người nơi khác tới phải khen tấm, khen tắc vì sự đầy đủ về lượng, thơm ngon về chất của cỗ nơi đây.
Nổi danh trong mâm "cỗ Bát Tràng" phải nhắc tới canh măng mực. Món ăn từ mực khô này có gì mà ai đến Bát Tràng cũng đòi ăn bằng được như thế.

CANH MĂNG MỰC. BÁT CANH NHỎ, TÂM HUYẾT LỚN.

Phải khẳng định ngay rằng Canh măng mực chỉ Bát Tràng mới có. Canh măng mực là loại canh cần có sự đầu tư rất lớn về thời gian và số loại thực phẩm. Công thức nấu canh măng mực có thể kể ra như: Măng khô, mực khô, xương lợn, thịt lợn, thịt gà, nấm hương, hành khô, hành lá và các gia vị khác. Nhìn thì nghĩ sự phức tạp tới từ số lượng thành phần nguyên liệu NHƯNG KHÔNG sự cầu kì tới từ việc sơ chế nguyên liệu.
Thời gian để sơ chế xong món canh măng mực có thể tính tới hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Có thật vậy không, nhiều người hẳn có thắc mắc như vậy nhưng câu trả lời là hoàn toàn thật, hãy cùng xem nhé.
Măng và mực là hai nguyên liệu chính để làm nên danh tiếng của món ăn này. Măng khô và mực khô được chọn kỹ lưỡng về chất lượng, hai thức này được ngâm riêng rẽ để cho thật mềm.

Bát canh măng mực vàng óng, đầy sự cầu kỳ

Bát canh măng mực vàng óng, đầy sự cầu kỳ

Măng được tuyển chọn là loại măng vầu màu vàng sáng, ngâm hai ngày trong nước cho mềm dẻo hoặc luộc qua nước nóng. Để có thể tước mỏng, sợi như sợi chỉ mảnh thì dụng cụ tước măng được dùng chủ yếu là kim băng, kim chỉ hoặc mũi dao nhỏ, việc tước măng cũng làm hao phí tương đối nhiều dụng cụ, một bữa cỗ có thể phải hi sinh khoảng 20 bộ kim băng là chuyện bình thường. Việc tước măng cho 1 buổi cỗ lớn có thể phải thực hiện trước đó vài tuần hoặc hàng tháng, măng tước xong có thể để khô, cất túi nilon, khi cần thì có thể mang ra sử dụng.


Cũng như măng thì mực cũng được tước nhỏ bằng kim băng hoặc kim chỉ. Mực chỉ lấy phần thân mực, bỏ râu và mai, mực được tẩy bằng rượu, nước gừng cho bớt tanhtanh, nướng khô và có thể mang đi tước, nếu vẫn còn tanh thì mực sẽ được tẩy bằng gừng lần thứ hai. Mực có thể tước nhỏ như măng hoặc nhỏ hơn măng do mực có thớ thịt rất nhỏ nhưng chung quy lại là cũng mất thời gian không kém măng. Thật không khó để bắt gặp các mẹ, các chị ngồi bán hàng gốm sứ mà trên tay lại có kim băng, kim chỉ, chẳng phải vì may vá gì mà là ngồi tước măng, mực cho buổi cỗ của nhà hoặc giúp đỡ nhà hàng xóm có cưới hỏi, giỗ chạp.

Mực được xé nhỏ như sợi chỉ

Mực được xé nhỏ như sợi chỉ

NGÔI SAO PHỤ CỦA BÁT CANH MĂNG MỰC - THỊT LỢN, NƯỚC GÀ

Nước dùng của bát canh măng mực chính là nước gà và nước xương lợn. Gà luộc lấy nước rồi ninh cùng với xương lợn cho thêm phần đậm đà, để thêm phần ngon ngọt thì nấm hương là 1 phần không thể thiếu. Thịt lợn được hấp chín, cùng với thịt lườn gà xé nhỏ tương đương sợi măng, có thể nói bát canh măng mực là bản hoà tấu của các nguyên liệu được xé nhỏ, tuy nhiên việc xé nhỏ thịt thăn lợn và thịt gà là đơn giản hơn rất nhiều so với măng và mực.

>>> Xem thêm: Xu hào xào mực, cặp đôi hoàn hảo cùng với Canh măng mực

Công việc sơ chế măng, mực, thịt lợn, thịt gà thế là xong, khi chuẩn bị nổi lửa nấu canh thì làm gì.
Măng được làm mềm rồi ướp với mắm, muối cho ngấm và phi hàng mỡ, xào cho săn măng lại.
Mực được xào khô với mỡ có thể nêm nếm trước chút đường và muối.
Thịt lợn, gà cũng được xào săn lại rồi trộn cả 3 thứ trên vào chảo đảo cho tất cả các loại thịt hoà trộn lại với nhau, tương hỗ với nhau để tạo nên bản hoà ca ẩm thực lộng lẫy.

Xong ngần đấy công việc xào sáo, tổng hợp những thức đấy được cho vào nồi nước dùng là nước luộc gà, xương lợn và 1 chút tôm he, nồi nước được đun nhỏ lửa, đều đều. Nước dùng của bát canh măng mực phải trong, thơm, vị ngọt khó tả của nhiều nguyên liệu phức hợp, màu măng mực phải vàng óng, sợi măng, sợi mực, sợi thịt phải đồng đều, không vón chia tách. Vị trong miệng phải ngọt của mực và thịt xương, khi nhai thì gặp sự giòn giòn của măng, dai dai của măng, phải nói canh măng mực Bát Tràng là món rất đưa cơm. Bình thường thực khách có thể ăn 2 bát cơm thì với canh măng mực Bát Tràng thì là 3 là 4 bát cơm ngon lành. Điều này đã được kiểm chứng bởi rất nhiều thực khách tới Bát Tràng, minh chứng hùng hồn nhất là khách ăn cỗ xong lại xin thêm 1 suất canh mang về cho gia đình được thưởng thức món đặc sản Bát Tràng này.

Phải nói rằng món ăn đầy công phu này không rõ có ở Bát Tràng từ bao giờ nhưng sự nổi tiếng của nó thì đã xuất hiện từ rất lâu rồi. Món ăn đầy sự cầu kỳ từ nguyên liệu tới cách chế biến này đã làm nên 1 Bát Tràng không những nổi tiếng về gốm sứ mà còn nổi tiếng về sự cầu kỳ trong ẩm thực. Có quá nhiều thực khách sau khi tới Bát Tràng thưởng thức cỗ đều lấy cỗ Bát Tràng làm khuôn vàng thước ngọc để đo đếm sự ngon và hoành tráng, đầy đủ của cỗ Việt Nam mà canh măng mực là một điểm nhấn không thể thiếu trong mâm cỗ. Chẳng thế mà được dự một đám cỗ ở Bát Tràng luôn là một niềm háo hức, một sự chờ đợi đầy hoan hỉ của rất nhiều người ưa thích ẩm thực từ bốn phương.

Và 1 điều tôi muốn nói thêm. Nếu bạn được mời ăn cỗ Bát Tràng, hãy chuẩn bị dạ dày thật kỹ, hãy để bụng để chờ đón, thưởng thức bữa tiệc ẩm thực mà ai cũng mong muốn có được nhé.

 

Tag Bài Viết:

Viết bình luận của bạn